Bệnh gai cột sống là một căn bệnh thoái hóa cột sống, trong đó xuất hiện các phần xương mọc ra (gai xương) phía ngoài và hai bên của cột sống. Theo một số thống kê có các nguyên nhân dẫn đến gai cột sống gồm có: viêm khớp cột sống mãn tính, sự lắng đọng canxi ở các dây chằng và gân tiếp xúc với đốt sống và thường gặp trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi. Bệnh gai cột sống chữa như thế nào để có thể chấm dứt các cơn đau đang là vấn đề mà nhiều người đặt ra.
Bệnh gai cột sống chữa như thế nào?
Phần lớn gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi mọc ở phía sau, do đó ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh. Triệu chứng thường gặp là đau vai, đau thắt lưng, tay bị tê…
Nếu gai không gây đau, không cần điều trị. Việc giảm cân để giảm sức nặng lên xương khớp là điều cần làm. Khi bị gai cột sống và có triệu chứng lâm sàng thường được điều trị bảo tồn như sau:
– Hướng dẫn các tư thế đúng phù hợp cơ sinh học của cột sống.
– Thuốc giảm đau thông thường, kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rung giật.
– Thực hiện các biện pháp tập vật lý trị liệu chủ động, bơi lội.
– Sử dụng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ, nẹp thắt lưng… nhằm giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.
– Nên kết hợp với phương pháp châm cứu, massage, tập di động nhẹ nhàng cột sống.
– Các phương thức tại chỗ bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, đắp ấm, đắp lạnh…
– Cải tạo lại các môi trường xung quanh không làm cột sống chịu tải nhiều. Cải tạo môi trường làm việc như bàn ghế, tầm thích hợp khi làm việc…
– Cải thiện lối sống lành mạnh như ngưng hút thuốc, giảm cân, dinh dưỡng..
Điều trị đau cấp gồm có nghỉ ngơi khi sưng viêm, chườm nước đá, uống paracetamol, thuốc chống viêm không có steroid.
Châm cứu có thể làm giảm đau một phần nào ở phần mềm nhưng không có tác dụng vào tình trạng viêm sưng cũng như khi gai chèn ép lên rễ dây thần kinh não tủy.
Phẫu thuật chỉ đặt ra trong trường hợp có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh gây các dấu hiệu tê chân, tay, rối loạn đại tiểu tiện đau lan tới tứ chi và ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, ngay cả khi phẫu thuật gai xương vẫn có thể mọc lại ở cùng vị trí cũ vì thực tế quá trình hình thành gai xương là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với phản ứng viêm.
Bạn có thể đến chuyên khoa phục hồi chức năng để có những hướng dẫn và biện pháp điều trị cụ thể và hợp lý.